Việc gói những chiếc bánh chưng sao cho gọn và đẹp mắt là một quy trình không thể thiếu trong các dịp lễ tết. Tuy nhiên, để có thể gói bánh đạt được đến độ “tỷ lệ vàng” đòi hỏi rất nhiều công đoạn.
1. Chuẩn bị gì để gói bánh chưng?
1.1 Nguyên liệu cần chuẩn bị
Chiếc bánh chưng truyền thống được tạo nên từ những nguyên liệu vô cùng đơn giản, dễ tìm bao gồm:
- 650gr Gạo nếp
- 300gr Thịt ba chỉ hoặc thịt thăn
- 400gr Đậu xanh đã lột vỏ
- Tiêu, mì chính, nước mắm, hạt nêm
- Lá dong, dây giang, khuôn bánh
1.2 Cách chọn và sơ chế nguyên liệu
Để đảm bảo chất lượng và hương vị hoàn hảo của chiếc bánh. Bên cạnh cách gói bánh chưng, chúng ta cần tập trung vào bước chọn lựa và sơ chế nguyên liệu:
- Lá chuối hoặc lá dong: Chọn lá tươi, to bản, và đặc biệt là không bị rách. Sau khi mua về, hãy rửa sạch và lau khô lá. Quá trình rửa và lau càng sạch thì càng giúp tránh bị mốc sau này. Tiếp đến hãy cắt bớt cuống và phần sống lưng, điều này sẽ giúp việc gấp và gói bánh dễ dàng hơn.
- Thịt ba chỉ: Lựa chọn thịt ba chỉ, không được quá khô. Rửa sạch thịt và cắt thành các miếng vừa khoảng ba ngón tay. Ướp thịt với hành tím xắt mỏng, muối, tiêu hoặc bột ngọt trong khoảng hai giờ để thịt thấm gia vị.
- Đậu xanh tách vỏ: Đảm bảo rằng hạt đậu xanh tròn và đều nhau. Hấp chín đậu xanh bằng nồi hấp và nghiền nhuyễn sau đó thêm một chút muối.
- Gạo nếp: Tương tự như đậu xanh, chọn gạo nếp mẩy, đều nhau. Sau đó rửa sạch, loại bỏ sạn và trấu cẩn thận. Ngâm gạo nếp qua đêm hoặc ít nhất 3-4 giờ.
- Lạt giang: Mua lạt giang làm từ ống giang, có độ dài khoảng từ 60-70 cm. Để lạt giang có độ dai và dễ gói, nên ngâm trong nước muối hoặc hấp nước ấm trước khi sử dụng.
2. Cách gói bánh chưng chuẩn Việt như thế nào?
2.1 Quy trình gói bánh bằng khuôn
Cách gói bằng khuôn này phù hợp với những bạn chưa có kinh nghiệm gói trước đó. Với khuôn bánh có sẵn sẽ giúp bạn định hình sẵn hình dáng của bánh. Đảm bảo thành quả cuối cùng sẽ vuông vắn, gọn gàng và đẹp mắt.
Bước 1: Xếp và cắt lá
Mỗi chiếc bánh sẽ sử dụng 4 chiếc lá dong, bạn gấp đôi lá theo chiều dọc. Sau đó tiếp tục gấp 4 chiếc lá theo chiều ngang. Đo chiều dài lá đã gấp từ vị trí vuông gắp đã gấp cho vừa khuôn. Sau đó cắt phần chóp thừa ra của lá.
Bước 2: Gấp lá vuông góc với khuôn
Tiếp theo bạn gấp từng lá dong đã cắt vuông góc, đặt vào bốn góc của khuôn.
Bước 3: Bỏ nguyên liệu vào khuôn
Bỏ gạo nếp vào dàn đều ra, sau đó bỏ 1 lớp đậu xanh, 2 miếng thịt heo, hành tím. Sau đó bỏ tiếp một lớp đậu xanh phủ phần thịt, rồi đổ thêm một lớp gạo nếp ở lớp cuối cùng.
Bước 4: Gấp lá bánh vào
Từ từ gấp các phần lá bánh bên phải và bên trái vào nhau. Đảm bảo phần lá sau che phần lá trước. Sau đó gấp mép hai phần còn lại của lá vào nhau.
Bước 5: Dùng lạt giang cố định bánh
Dùng 4 lạt giang để cột cố định bánh chắc chắn. Đầu tiên bạn dùng hai lạt giang cột song song để cố định. Tiếp tục cột hai lạt còn lại vuông góc với hai lạt đã cột.
2.2 Quy trình gói bánh không dùng khuôn
Với cách gói bánh chưng không dùng khuôn này đòi hỏi người gói phải tự định hình bánh.
Bước 1: Xếp lá vuông góc với nhau
Xếp bốn lá vuông góc với nhau, hai lá dưới mặt phải úp xuống. Hai lá trên mặt trái úp xuống
Bước 2: Bỏ lần lượt nguyên liệu
Bỏ gạo nếp vào bánh dàn đều ra làm lớp nền. Sau đó bỏ đậu xanh vào tiếp tục dàn đều. Bỏ 2 miếng thịt ba chỉ vào, tiếp tục bỏ 1 lớp đậu xanh che phần thịt đi. Cuối cùng, đặt một lớp gạo nếp để đậy phủ hoàn toàn lớp nhân bánh.
Bước 3: Gấp lá vào
Gấp các lá dong lần lượt hai bên trái và phải vào. Miết thật chặt để đảm bảo trong quá trình luộc không bị bung ra. Phần lá dong thừa thì gấp vào bên trong.
Bước 4: Dùng lạt giang cố định
Sử dụng 4-6 lạt giang để cố định bánh như hình minh họa.
3. Luộc bánh chưng Tết chuẩn vị
Sau khi đã gói bánh xong, bạn bắt đầu thực hiện luộc bánh chưng. Đây là quá trình đòi hỏi nhiều công sức và kĩ thuật nhất. Bởi nếu không khéo bạn có thể làm cháy hoặc vỡ bánh khi nấu.
Đầu tiên, bạn đặt chiếc lá đã cắt trước đó lót vào dưới đáy nồi. Sau đó lần lượt bỏ từng chiếc bánh vào nồi, xếp sao cho những chiếc bánh khít và chặt vào nhau. Tiếp tục đổ nước sao cho ngập hết phần bánh.
Nhóm lửa đun bánh với mức lửa to và đều, tới khi nước sôi thì bắt đầu giảm nhỏ lửa. Đun sôi liên tục trong khoảng 5-10 tiếng tùy vào kích cỡ và số lượng bánh bạn làm. Trong suốt quá trình nấu, chú ý đảm bảo nước luôn đủ để bao phủ hoàn toàn bánh chưng. Tránh để nước cạn dẫn đến bánh bị nát hay cháy bạn nhé.
Sau khi bánh đã chín, bạn vớt ra và cho vào nước lạnh ngâm trong khoảng 20 phút. Sau đó vớt ra và bỏ lên mặt phẳng khô bảo quản.
4. Làm thế nào để cắt bánh chưng?
Bánh chưng được làm từ gạo nếp nên rất dẻo và dính, vậy làm thế nào để chúng ta có thể cắt một chiếc bánh hoàn hảo mà không bị dính hay vỡ? Đừng lo, việc gì khó cứ để FPT Shop lo!
Việc đầu tiên bạn cần làm là tìm 4 sợi dây mảnh dài tầm 20-30 cm hoặc sử dụng lại dây giang đã dùng để cố định bánh. Tiếp theo bạn mở từ từ bánh chưng ra, giữ lại một ít lá phía dưới bánh.
Tiếp đến dùng dây đã chuẩn bị sẵn đặt theo hình minh họa, hai dây đặt vuông góc, hai dây đặt chéo chiếc bánh. Lấy một vài chiếc lá bỏ tiếp vào đầu còn lại của chiếc bánh. Chuẩn bị sẵn một chiếc dĩa, úp bánh ngược lại vào dĩa. Cuối cùng bạn gỡ phần lá chuối phía bạn và lần lượt kéo các đầu dây xuống dưới. Tada! Vậy là chúng ta đã cắt xong một chiếc bánh chưng, cách này vừa đẹp vừa tiện lợi đúng không nào?
5. Cách bảo quản bánh chưng lâu, không bị mốc
Tùy thuộc vào môi trường chứa bánh và cách gói bánh chưng mà ta có thể đánh giá được việc bánh có thể lưu trữ trong thời gian dài hay không. Thông thường, sau khi bánh chưng chín và vớt ra ngoài, trung bình có thể bảo quản được 7-10 ngày.
Để bánh có thể được bảo quản lâu hơn, bạn có thể để nó trong môi trường lạnh như ngăn mát của tủ lạnh. Và dùng thêm màng bọc thực phẩm, bao ni lông hoặc lá chuối. Khi đó bánh có thể được bảo quản trong thời gian dài, thậm chí vài tuần đến một tháng.
Một lưu ý nhỏ cho bà con đó là chỉ bỏ bánh chưng vào tủ lạnh khi bánh đã nguội. Nếu bánh còn ấm, sự tỏa nhiệt có thể tạo ra hơi ẩm bên trong bao bì, điều này cũng sẽ tạo ra sự phát triển của nấm mốc. Có thể làm cho bánh bị ôi, mốc, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, hãy kiểm tra kỹ lại tất cả các bánh sau khi đã nấu xong. Đảm bảo không có chiếc bánh nào bị nứt hay hỏng ở vỏ bánh. Vì những vết này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Nếu bạn thấy vết nứt hãy lập tức cắt chỗ đó đi, tránh để lây lan sang các phần bánh khác.