Khổ một nỗi Tuấn chỉ là con nuôi chứ không phải con ruột của bố mẹ chồng, tôi chẳng hiểu cậu ấy ghen tức với tôi vì gì nữa?…
Hôm tôi chạy từ thành phố về quê để chuẩn bị cho lễ cưới, mẹ đẻ hỏi riêng tôi rằng con muốn được tặng bao nhiêu vàng hồi môn để mẹ chuẩn bị. Tôi tự biết gia cảnh nhà mình và cũng biết đợt này giá vàng đắt đỏ, nên tôi nói mẹ tặng bao nhiêu cũng được, con không đòi hỏi gì hết.
Nghe xong mẹ gật gù vẻ hài lòng. Tôi cũng quên bẵng chuyện ấy đi cho đến hôm ăn hỏi. Lúc bố mẹ 2 bên đứng trao của hồi môn tặng cho các con, tôi ngạc nhiên khi cả mẹ chồng lẫn mẹ đẻ đều đưa khá nhiều vàng. Ngoài tiền mặt đựng trong tráp thì mẹ chồng đeo cho tôi 7 chỉ vàng nhẫn, 2 lắc vàng và 2 kiềng vàng nữa. Mẹ ruột đeo cho tôi 1 chiếc dây chuyền vàng 24k, còn lại 6 chỉ vàng nhẫn và mấy món trang sức nữa thì mẹ để trong hộp riêng.
Toàn bộ họ hàng người quen đôi bên chứng kiến màn trao vàng hôm ấy đều bất ngờ vì nhà trai quá xông xênh. Giá trị số vàng vợ chồng tôi nhận được lớn hơn dự kiến, đặc biệt là khay mẹ chồng trao. Ai cũng khen số tôi có phúc nên mẹ chồng tặng vàng còn nhiều hơn mẹ đẻ.
Mặc cho mọi người bàn tán so đo thì cưới xong tôi cũng không tham gia bàn luận chuyện hồi môn với ai cả. Đó là vấn đề nhạy cảm nên tôi giữ cho riêng mình thôi, chứ không thể dựa vào số vàng ấy mà phân định mẹ nào thương con nhiều hơn cả. Mẹ đẻ tôi khi thấy nhà trai đưa vàng nhiều hơn thì cũng hơi bối rối, nhưng tôi đã nắm chặt tay mẹ cảm ơn nên bà cũng đỡ áp lực tâm lý.
Tuy nhiên phiền phức nhất chính là cậu em trai nuôi của chồng tôi. Nó có vẻ không hài lòng với việc anh trai chị dâu nhận được nhiều vàng như thế.
Tuấn mất bố năm nó học lớp 7, mẹ thì bỏ đi biệt tích, ông bà nội ngoại vừa già yếu vừa nghèo. Bố chồng tôi là giáo viên, ông theo đoàn công tác lên tình nguyện mùa hè ở vùng cao nên vô tình biết đến hoàn cảnh của Tuấn. Thấy thằng bé sáng sủa đẹp trai, lại thông minh học giỏi nên bố chồng xin nhận nó về làm con nuôi.
Xuống thành phố một thời gian thì Tuấn thay đổi hẳn. Chẳng ai nghĩ nó là đứa trẻ nghèo sinh ra tại một xã miền núi, bởi nó có ngoại hình cao ráo nổi bật và càng lớn càng giống bố nuôi. Tôi xem ảnh cũ mà cũng bất ngờ vì trông Tuấn có nét giống bố chồng còn hơn cả chồng.
Cả nhà chồng đều đối xử tốt với Tuấn, họ hàng cũng quý mến vì thằng bé ngoan. Tuy nhiên Tuấn càng lớn càng lạnh lùng ít nói. Mẹ chồng toàn nói nhỏ với tôi rằng chắc do quá khứ mất mát nên Tuấn bị rào cản giao tiếp, tôi cũng nghĩ là đúng nên luôn cố gắng tìm cách kết nối với cậu em chồng.
Tuấn kém chồng tôi 1 tuổi và hơn tôi 1 tuổi. Khoảng cách tuổi tác thì gần gũi nhưng việc trò chuyện giữa vợ chồng tôi với Tuấn hơi khó khăn. Nó cứ lầm lì ít nói và không có nhu cầu thân thiết với ai. Tôi cũng bất lực, đành kệ cho mối quan hệ chị dâu em chồng lửng lơ như thế.
Tuy nhiên sau đám cưới thì thái độ Tuấn trở nên khác hẳn. Nhiều năm qua chồng tôi hay nhường nhịn Tuấn vì nghĩ nó thiệt thòi hơn, bây giờ Tuấn mới lộ bản chất thật khiến ai cũng bất ngờ.
Bữa cơm đầu tiên khi tôi về làm dâu, Tuấn đã bất ngờ hỏi mẹ chồng một câu làm cả gia đình ngỡ ngàng: “Tại sao mẹ lại cho chị dâu với anh nhiều vàng thế, nhiều nhẫn hơn cả mẹ chị ấy cho?” .
Dĩ nhiên là 2 nhà đâu có tiết lộ cho nhau số vàng định trao, thế nên chuyện nhiều vàng hơn là ngoài ý muốn. Tuấn thắc mắc điều đó làm mọi người khó xử vô cùng, mẹ chồng tôi chỉ biết “chữa cháy” bằng cách đáp rằng mẹ không tính trước chuyện ấy. Tôi cũng góp ý với Tuấn là không nên đi sâu vào vấn đề nhạy cảm ấy, việc so sánh như thế dễ nảy sinh mâu thuẫn không đáng có giữa 2 gia đình.
Ai dè Tuấn lại nổi cáu với tôi. Nó nói chị được ôm hết chỗ vàng ấy dĩ nhiên chị là người vui nhất. Còn nó thì “ấm ức thay cho mẹ” vì phải tặng nhiều vàng hơn nhà gái, xong nó bảo tôi nên trả lại 1 chỉ vàng mẹ chồng đưa thừa cho đỡ “bên trọng bên khinh”.
Bố mẹ chồng nhíu mày vẻ không vui, chắc ông bà chẳng hiểu tại sao Tuấn lại gây sự với tôi như vậy. Chồng tôi xua tay nói dừng mọi việc ở đây để tiếp tục ăn cơm. Nhưng Tuấn im lặng được một lúc xong lại hỏi thêm câu nữa khiến cả nhà mắc nghẹn: “Thế đến lúc con cưới thì mẹ định cho con bao nhiêu chỉ vàng, có ít hơn anh chị không?” .
Thì ra những ngày qua Tuấn canh cánh điều đó trong lòng, và đây mới là lý do chính làm nó khó chịu với tôi. Khi nó thấy bố mẹ bình thản với chuyện phải bỏ nhiều tiền hơn nhà tôi trong đám cưới thì nó sợ sau này nó cũng phải chịu thiệt thòi. Một pha tư duy ích kỷ thật sự!
Ngay khi hiểu ra vấn đề thì tôi đã níu tay chồng ra hiệu phải kiềm chế, không đẩy mọi thứ vào bước căng thẳng hơn. Thế nhưng bố chồng lại không nhịn được, ông nghiêm nghị bảo Tuấn vào phòng nói chuyện riêng. Chẳng ngờ đứa con nuôi ngoan ngoãn suốt bao năm của ông bà lại phản ứng khá gay gắt, nó không muốn bị dạy dỗ bằng đạo lý nữa và xả hẳn một tràng khiến ai nấy kinh ngạc.
Quả đúng là bao năm qua Tuấn vẫn tự ti về xuất thân của mình. Dù được mọi người xung quanh đối xử bình đẳng, bố mẹ và anh trai nuôi thương yêu không để thiếu thốn cái gì, nhưng Tuấn vẫn luôn sợ hãi bị thiệt. Nó không muốn thua kém ai cả, bất kỳ ai chia cho nó thứ gì ít hơn bạn khác là nó sẽ tự suy diễn rằng vì nó mồ côi nên người ta “phân biệt đối xử”.
Bố mẹ chồng hoàn toàn không nhận ra nỗi ám ảnh tâm lý này của Tuấn nên bao năm qua cứ nghĩ nó là một đứa trẻ bình thường. Tới đám cưới của anh trai nó thì mới bùng phát ra, Tuấn thấy quá nhiều tài sản giá trị nên nó ghen tị không kìm nổi.
Mẹ chồng buồn và sốc đến mức không nói được nửa lời. Bà bỏ cơm vào phòng nằm khóc. Tôi đi theo an ủi bà, nhưng chính tôi cũng hoang mang chẳng biết nói sao.
Mẹ chồng bảo thằng Tuấn còn trẻ, lại chưa có bạn gái nên bà chưa từng nghĩ đến việc sẽ tặng nó cái gì khi kết hôn. Song bà chưa từng để Tuấn thua kém ai hết, bà coi nó như con ruột nên chắc chắn lúc ấy sẽ dành cho nó thứ xứng đáng. Ấy vậy mà Tuấn lại lộ ra bản chất ích kỷ và tâm lý lệch lạc. Bà thất vọng về đứa con nuôi 1 thì tự trách mình 10, cứ cho rằng do bà không quan tâm nó nhiều hơn nên Tuấn mới suy nghĩ sai lầm như vậy.
Tôi cũng không biết cậu em chồng so đo như thế là đáng thương hay đáng trách nữa…