Hầu hết các nước trên thế giới có ngưỡng giới hạn cho phép về nồng độ cồn trong hơi thở, Việt Nam thì không.
Đọc bài “Luật nồng độ cồn làm khó người dân”, tôi hoàn toàn nhất trí với tác giả. Sai số máy móc, thực phẩm chứa cồn… đều có thể khiến mọi chuyện trở nên khó khăn. Chẳng phải từng có độc giả kiêng rượu, bia mà thổi vẫn lên nồng độ cồn đó sao.
Có khoảng 72% các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới phạt nồng độ cồn có mức “vùng xanh”. Những nước phạt từ 0, hầu hết là những nước hồi giáo, vốn cấm buôn bán, tiêu thụ rượu bia. Số ít còn lại là Brazil, Hungary, Paraguay, Romania, Slovakia, Uruguay và Việt Nam.
Vậy tại sao hầu hết các nước phát triển trên thế giới họ đều có vùng xanh. Hệ thống luật giao thông của họ thì hết sức chặt chẽ và phát triển từ rất lâu rồi. Chẳng nhẽ họ không cẩn thận bằng mình?
Một số bạn đồng tình với việc cứ lớn hơn 0 là phạt, đưa lý do hết sức cảm tính đó là “nhìn lại xem ý thức người tham gia giao thông Việt Nam còn rất kém cỏi, không phạt từ 0 thì loạn hết”. Ý kiến kiểu này không mang tính xây dựng, vì nó không có căn cứ, lại hết sức “vơ đũa cả nắm”.
Các bạn ủng hộ phạt từ lớn hơn 0, và những nhà làm luật trả lời giúp tôi hai câu hỏi sau:
1. Luật tốc độ tối đa có “vùng xanh” là 5 km/h. Tức nếu tốc độ tối đa cho phép là 60 km/h, thì chạy 65 km/h mới bị phạt, chạy 64 km/h chỉ nhắc nhở. Vậy tại sao luật về nồng độ cồn cũng là con số, lại không có khoảng này? Có phải có tí cồn thì nguy hiểm hơn chạy quá tốc độ? Nếu đúng thì dữ liệu nào chứng minh điều đó.
2. Trong số 72% các quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng “vùng xanh”, không phải toàn Tây đâu, mà có cả những quốc gia ở châu lục khác. Cơ địa của họ uống rượu, bia khó say hơn người Việt hay sao mà họ lại có vùng xanh còn ta thì không? Cơ sở nào để chứng minh điều này. Nếu ta không làm giống họ, vậy lý do lớn nhất là gì để Việt Nam đi ngược thế giới?