Kỹ thuật vào cua ô tô
Khi lái xe vào cua cũng như khi lái xe thông thường, người lái chú ý cầm vô lăng đúng cách. Hình dung vô lăng ô tô là một mặt đồng hồ, cách cầm vô lăng chuẩn là tay trái đặt ở vị trí 9 giờ, tay phải đặt ở vị trí 3 giờ. Khi cầm vô lăng, 4 ngón tay ôm vào vành vô lăng, ngón tay cái đặt dọc theo vành vô lăng.
Tư thế ngồi lái cũng rất quan trọng, cần chỉnh ghế lái có độ cao, độ nghiêng và khoảng cách phù hợp. Ngồi tựa lưng sát vào ghế, vai và tay thả lỏng tự nhiên.
Hướng dẫn cách vào cua xe ô tô:
Quan sát từ xa
Trước khi vào cua, người lái chú ý quan sát khúc cua từ xa và xem khúc cua rộng hay hẹp, quãng đường dài hay ngắn, mặt đường có dấu hiệu gồ ghề, trơn trượt gì không.
Giảm tốc độ xe trước khi vào cua
Nên giảm tốc độ xe trước khi vào cua. Điều này giúp người lái dễ dàng làm chủ tốc độ, có thời gian quan sát và xử lý kịp thời nếu xảy ra tình huống bất ngờ. Không nên chạy tốc độ cao rồi đánh lái gấp khi vào cua bởi rất dễ khiến xe bị thừa lái hay thiếu lái, dẫn đến khó kiểm soát, thậm chí xe mất lái. Mặt khác vào cua tốc độ cao còn khiến người lái khó xử lý kịp nếu gặp tình huống bất ngờ. Phanh gấp lúc vào cua nhanh sẽ rất nguy hiểm vì bánh xe dễ bị mất độ bám làm xe bị trượt.
Đánh lái để đưa xe vào cua
Từ độ cong của góc cua ước lượng số vòng đánh lái sao cho phù hợp, nên đánh lái một lần thật mượt. Tránh đánh lái nhiều lần khiến xe mất ổn định. Nếu góc cua quá dài thì người lái có thể nhích thêm để cho xe về đúng quỹ đạo.
Có hai cách đánh lái vô lăng là đánh lái kéo đẩy và đánh lái chéo tay. Đánh lái kéo đẩy có ưu điểm phạm vi hoạt động tay linh hoạt nên định hướng chính xác, dễ dàng xử lý nếu xảy ra tình huống bất ngờ. Đánh lái chéo tay nhanh hơn nhưng phạm vị hoạt động hạn chế hơn, do đó sẽ phù hợp hơn khi vào cua ở tốc độ thấp.
Sau khi đánh lái hãy giữ nguyên góc xoay đến khi xe chuẩn bị thoát cua. Trong trường hợp góc cua có độ cong thay đổi liên tục thì có thể xoay thêm hoặc trả lái tuỳ theo từng tình huống thực tế. Lưu ý khi vào cua cần giữ chắc tay lái.
Trả lái thoát cua để xe về lại quỹ đạo
Khi thoát cua, người lái trả lái xoay ngược vô lăng để xe trở về quỹ đạo ban đầu. Nếu vào cua đánh lái bao nhiêu vòng thì khi trả lái đánh ngược lại bấy nhiêu. Lưu ý trả lái chậm, không nên trả lái quá nhanh hay để vô lăng tự quay mà cần đảm bảo vô lăng lúc nào cũng trong tầm kiểm soát.
Cách đánh lái khi vào cua
Thời điểm đánh lái khi vào cua
Với loại cua vuông góc, thời điểm đánh lái khi vào cua là lúc gương chiếu hậu chạm góc vuông của cua. Cố gắng hết lái để vòng cua hẹp lại, không chiếm nhiều phần đường của người khác.
Tốc độ xe ngược với tốc độ đánh lái
Theo nguyên tắc đánh lái xe ô tô khi vào cua, tốc độ xe phải ngược với tốc độ đánh lái. Nếu tốc độ xe đang nhanh thì cần đánh lái chậm. Trái lại nếu tốc độ xe đang chậm thì cần đánh lái nhanh. Nếu xe vào cua tốc độ cao thì nên hạn chế đánh lái nhiều để giữ sự ổn định cho xe.
Số vòng quay vô lăng khi vào cua
Về vấn đề vào cua quay bao nhiêu vòng sẽ tuỳ vào tình hình thực tế. Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm hãy quan sát từ từ. Nếu đánh lái mà thấy đầu xe vẫn hướng về phía lưng (phía ngoài) thì phải đánh lái tiếp. Nếu đánh lái mà thấy đầu xe hướng nhiều về phía bụng (phía trong) thì nên trả lại một chút. Việc đánh lái vào cua ban đầu sẽ hơi khó. Tuy nhiên nếu thực hiện nhiều lần, có kinh nghiệm, người lái sẽ tự biết được số vòng quay phù hợp.