Cây xương khỉ được biết đến là một vị thuốc quý trong Y học cổ truyền có rất nhiều công dụng trong điều trị bệnh. Hãy cùng tìm hiểu về cây xương khỉ cũng như những tác dụng của cây xương khỉ đối với sức khỏe con người qua bài viết dưới đây nhé.
1Mô tả cây xương khỉ
Cây xương khỉ là gì?
Cây xương khỉ (Clinacanthus nutans) hay còn gọi là cây bìm bịp, cây mảnh cộng, lá cẩm,… ưa sáng, ưa ẩm và có khả năng chịu hạn tốt. Cây có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan. Tại Việt Nam, cây mọc tự nhiên ở khu vực Đắk Lắk (Yok Đôn, Krông Bông), Gia Lai (Chư Prông), Phú Yên (Sông Hinh),…[1]
Cây xương khỉ là một loại cây bụi, có thể cao từ 1 – 3 m. Thân cây hình trụ, có vân trong khi lá của chúng có hình mác, dài, hẹp và sắp xếp đối diện nhau. Mỗi lá có chiều rộng 0,5 – 4 cm, chiều dài khoảng 2,5 – 13 cm, mặt trên màu sẫm bóng và mặt dưới nhạt.[2]
Hoa của cây xương khỉ thường mọc thành cụm hoa, mỗi cụm có từ 5 đến 8 hoa màu hồng hoặc đỏ. Một đặc điểm nhận dạng của loài cây này là cuống hoa ngắn, đối ngược với chiều dài của hoa (từ 3 – 5cm).[2]
Cây xương khỉ là một loại cây bụi, có thể cao từ 1 – 3 m
Bộ phận dùng làm thuốc
Toàn bộ cây xương khỉ đều có thể được dùng làm thuốc. Cây có thể được thu hái quanh năm, đem rửa sạch, dùng tươi hoặc cắt thành khúc ngắn đem phơi, sấy khô và dùng dần.
Ngoài ra, ở một số tỉnh miền núi phía Bắc còn dùng lá cây xương khỉ để làm bánh gọi là Bánh mảng cộng.
Toàn bộ cây xương khỉ đều có thể được dùng làm thuốc
Thành phần hóa học có trong cây xương khỉ
Thành phần hóa học trong cây xương khỉ rất đa dạng với nhiều loại vitamin, khoáng chất, tanin, hợp chất glycerol, flavon, glycosid, cerebroside,… Ngoài ra, cây còn chứa hàm lượng chất đạm, chất béo khá dồi dào, giàu canxi và chất xơ mang lại hiệu quả tốt cho sức khỏe con người.
Thành phần hóa học trong cây xương khỉ rất đa dạng và phong phú
2Cây xương khỉ có tác dụng gì?
Theo Y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền, cây xương khỉ có tính bình, vị ngọt, chứa hàm lượng lớn flavonoid, tanin,… mang đến những tác dụng như:[1]
Điều kinh, tiêu thũng.
Giảm đau và làm liền xương.
Điều trị các bệnh lý về xương khớp như phong tê thấp, đau nhức, gãy, còi xương.
Hỗ trợ điều trị viêm dạ dày, viêm họng.
Hỗ trợ làm giảm đường máu, hạ cholesterol.
Điều trị vết rắn cắn, sâu bọ đốt, viêm da cơ địa và mụn rộp.
Chữa dị ứng, mề đay.
Hỗ trợ điều trị thiếu máu, vàng da.
Theo Y học cổ truyền, cây xương khỉ có tính bình, vị ngọt
Theo Y học hiện đại
Theo Y học hiện đại, flavonoid trong dược liệu xương khỉ có tác dụng chống oxy hóa cực mạnh. Từ đó có thể mang lại hiệu quả trong:
Ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư, hỗ trợ điều trị bệnh ung thư giai đoạn đầu.
Tăng cường lưu thông máu.
Hỗ trợ cầm máu.
Tác dụng mát gan, lợi mật, dùng cho những người có men gao cao, suy giảm chức năng gan do bia rượu.
Giúp vết thương nhanh lành, giảm sẹo, điều trị các bệnh lý về da.
Flavonoid trong cây xương khỉ có tác dụng chống oxy hóa cực mạnh
3Liều dùng cây xương khỉ
Cây xương khỉ có thể được sử dụng hàng ngày, liều từ 30 – 40g cây khô, hãm thành nước uống. Ngoài ra, khi sử dụng cây xương khỉ cắt lát, sao vàng, hạ thổ và ngâm rượu 40 độ trong 3 tháng có thể giúp:
Chữa đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt, say tàu xe: Dùng 15ml.
Xoa ngoài vùng đau nhức, giúp thư giãn cơ, từ đó tiêu sưng, giảm viêm, làm tan máu bầm, trật khớp xương.
Dùng lá tươi giã nát và đắp vào vết thương hở có thể giúp vết thương mau lành. Hơn nữa, cây xương khỉ cũng có thể dùng như một loại rau ăn hàng ngày.
Cây xương khỉ có thể được sử dụng hàng ngày với liều từ 30 – 40g
4Một số bài thuốc sử dụng cây xương khỉ
Bài thuốc mát gan, lợi mật
Để giúp mát gan, lợi mật, bạn có thể sử dụng khoảng 30 – 40g thân và lá cây xương khỉ phơi khô, hãm lấy nước uống liên tục trong vòng 3 tháng. Ngoài cách sử dụng là uống, bạn cũng có thể dùng ngọn cây xương khỉ nấu thành canh ăn hàng ngày.
Dùng 30 – 40g cây xương khỉ phơi khô hãm nước uống giúp mát gan, lợi mật
Bài thuốc chữa vết thương
Xương khỉ có hiệu quả tốt nhờ đặc tính kháng viêm, làm lành vết thương. Do đó, bị đứt chân tay hoặc có các vết thương nhẹ, bạn có thể rửa lá xương khỉ với nước muối ấm pha loãng và đắp lên vết thương. Điều này có thể vừa giúp sát khuẩn và vết thương nhanh lành hơn.
Xương khỉ có đặc tính kháng viêm nên giúp chữa lành vết thương nhanh hơn
Bài thuốc chữa ung thư
Flavonoid trong cây xương khỉ có hiệu quả trong việc ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, đồng thời phòng ngừa sự tái phát và di căn của các tế bào ung thư.
Bạn có thể sử dụng bài thuốc điều trị ung thư gồm 30g cây xương khỉ, 30g hoa đu đủ đực và 40g cây xạ đen. Hỗn hợp dược liệu này đem sắc với 1,5 lít nước, chia thành nhiều lần uống trong ngày.
Flavonoid trong cây xương khỉ có hiệu quả ức chế sự phát triển của tế bào ung thư
Bài thuốc chữa bệnh về gan
Để có thể mang lại hiệu quả điều trị các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan, vàng da, bạn có thể dùng khoảng 30g cây xương khỉ khô sắc cùng với 20g râu ngô, 16g sâm đại hành, 12g lá quao, 12g lá cây vọng cách và 10g trần bì trong 1 lít nước. Đun nhỏ lửa trong vòng 30 phút, nước thuốc thu được chia làm 3 lần uống trong ngày.
Cây xương khỉ có hiệu quả trong điều trị các bệnh về gan
Bài thuốc chữa thoái hóa cột sống
Bài thuốc chữa thoái hóa cột sống là sự kết hợp giữa 80g lá cây xương khỉ tươi, 50g ngải tươi cùng 50g củ sâm đại hành. Hỗn hợp dược liệu này được đem giã nhuyễn, xào nóng với dấm. Sau đó, để nguội bớt đến khi còn hơi ấm và đắp vào chỗ bị đau. Người bệnh nên băng cố định hỗn hợp dược liệu bằng vải mỗi tối đi ngủ liên tục từ 5 đến 10 ngày để nhận thấy hiệu quả.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sắc thuốc uống với 30g cây xương khỉ khô, 20g sâm đại hành, 30g ngải cứu trong 2 lít nước. Đun liên tục đến khi còn khoảng 1 lít, lọc bã và uống thuốc trước khi ăn. Phần bã trộn chung với 1 củ gừng tươi được giã nát, sau đó đắp trực tiếp lên vùng bị đau đến khi hết nóng thì bỏ ra.
Cây xương khỉ có thể được dùng kết hợp trong các bài thuốc chữa thoái hóa đốt sống
Bài thuốc hỗ trợ chữa khớp xương sưng đau
Khi bị sưng đau khớp xương, người bệnh có thể dùng 30g cây xương khỉ, 20g trâu cổ, 20g cây dâu tằm cùng 20g rễ và thân cây gối hạc sắc cùng với 1.200ml đến khi còn 300ml. Phần nước thuốc được sử dụng trong ngày, chia làm 3 lần uống sau bữa ăn và uống liên tục trong 15 ngày.
Kết hợp cây xương khỉ và các dược liệu khác hiệu quả trong chữa khớp xương sưng đau
Bài thuốc chữa lở loét miệng
Khi bị lở loét miệng, bạn có thể giã nát 60g lá cây xương khỉ tươi, sạch với một ít nước, lọc lấy nước. Dùng phần nước đã lọc ngậm và nuốt từ từ trong ngày. Ngoài ra, bạn cũng nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng thường xuyên và súc miệng bằng nước muối nhiều lần trong ngày.
Sử dụng cây xương khỉ giúp chữa lở loét miệng
Bài thuốc từ cây xương khỉ ngâm rượu
Bạn có thể tiến hành ngâm rượu cây xương khỉ theo các bước sau:
Cắt khúc thân cây xương khỉ. Sau đó sao vàng, hạ thổ.
Cho vào bình và ngâm với rượu 40 độ trong khoảng 3 tháng là có thể sử dụng.
Rượu xương khỉ ngâm có thể được sử dụng trong các trường hợp:
Chữa tiêu chảy, chóng mặt hay say tàu xe: Sử dụng khoảng 15ml/lần.
Giãn cơ, giảm đau nhức xương khớp: Dùng rượu cây xương khỉ ngâm xoa bóp bên ngoài.
Làm tan máu bầm, giảm viêm, chữa đau khi trật khớp xương.
Bạn có thể ngâm rượu cây xương khỉ và sử dụng trong nhiều trường hợp
5Lưu ý khi sử dụng cây xương khỉ
Cây xương khỉ là loại thảo dược phổ biến và hiệu quả trong điều trị nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, khi sử dụng cần nên lưu ý những điều sau:
Không dùng chung với các loại thuốc tây y vì có thể làm giảm tác dụng của thuốc hoặc gây tác dụng phụ. Trong trường hợp cần thiết phải sử dụng chung thì nên dùng cách nhau từ 45 – 60 phút.
Sử dụng đúng liều lượng thuốc được chỉ định từ cây xương khỉ.
Không sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,… trong quá trình điều trị bệnh bằng cây xương khỉ.
Bệnh nhân trong quá trình sử dụng cây xương khỉ nên kiêng sữa, thịt đỏ (như bò, heo, dê…), hải sản (như tôm, cá, cua, sò…), nội tạng động vật.
Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi có ý định sử dụng cho phụ nữ mang thai.
Tránh dùng chung với cây xương khỉ khi sử dụng thuốc tây y
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc thêm những thông tin bổ ích về cây xương khỉ và lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng vị dược liệu quý này một cách hợp lý để có thể tối ưu hiệu quả và hạn chế rủi ro xảy ra. Chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích bạn nhé!