Bão Yinxing đang tiến sát Biển Đông với cường độ bão rất mạnh, giật trên cấp 17 khiến vùng Biển Đông sẽ có sóng rất cao. Dù dự báo không đổ bộ vào đất liền song bão gây mưa dông cho một loạt các địa phương.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 7/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 122,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/h), giật trên cấp 17. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 10-15km/h.
Vào lúc 13h ngày 8/11, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 15-20km/h, đi vào Biển Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông với sức gió gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.
Lúc 13h ngày 9/11, bão di chuyên theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h và suy yếu dần, cách quần đảo Hoàng Sa 430km về phía Đông Bắc, vị trí tâm bão có gió mạnh cấp 12, giật cấp 14
Đến 13h ngày 10/11, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 10km/h, cách quần đảo Hoàng Sa 300km về phía Bắc, sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14. Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.
Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7. Từ đêm07/11 tăng lên cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 4,0-6,0m, vùng gần tâm 6,0-8,0m; biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Như vậy, bão Yinxing đã mạnh hơn hẳn những dự báo ban đầu. Khi cơn bão này mới hình thành, nó được dự báo sẽ là bão ở mức vừa phải, nhưng thực tế, sáng nay, 7/11, bão Yinxing đang có sức gió 220 km/h theo cách đo của Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của Mỹ, hoặc gió duy trì 180 km/h (cấp 15) và gió giật 252 km/h (trên cấp 17) theo cách đo của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA).
Với sức gió như trên, theo cách ghi nhận của nước ta thì bão Yinxing đã là hoặc đã rất gần mức siêu bão (ở nước ta gọi bão cấp 16 trở lên, tức là sức gió 184 km/h trở lên, là siêu bão). Hiện tại, phần lớn các mô hình cho rằng bão sẽ suy yếu, có thể trở thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) khi đến gần nước ta. Các mô hình có nhận định khác nhau về việc áp thấp nhiệt đới hoặc bão yếu đó tới gần miền Trung nước ta đến mức nào: Cũng có thể bão tan trên biển, khi ở gần đất liền miền Trung; hoặc áp thấp nhiệt đới sẽ tiến sát và có thể chạm bờ biển.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai nhận định, các mô hình dự báo thống nhất rằng bão Yinxing sẽ gây mưa ở miền Trung nước ta, từ khoảng ngày 12/11, có thể kéo dài khoảng 3 ngày, lượng mưa chưa xác định.
Cơn bão này không mạnh về gió khu vực gần bờ nhưng rất mạnh ngoài khơi cách bờ biển Trung Bộ 200 – 300km. Tàu thuyền đánh cá không nên hoạt động trên biển Đông từ vĩ tuyến 12 trở lên trong các ngày từ 9/11-12/11. Sóng biển ven bờ từ Thừa Thiên Huế tới Quảng Trị có thể cao 3,5 – 4,5 mét trong ngày 11 và 12/11.
Từ đầu năm đến nay, Biển Đông xuất hiện 6 cơn bão. Gần nhất là Trà Mi vào Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng ngày 27/10, gây mưa lớn ở Trung Trung Bộ, làm 8 người chết, 14 người bị thương, gần 330 nhà hư hỏng, hơn 1.200 ha hoa màu, 1.500 gia súc bị chết và cuốn trôi. Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu nhận định trong những tháng còn lại của năm nay dự kiến khoảng 4-5 cơn bão trên Biển Đông và 2-3 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.
Bão Yinxing đạt cường độ mạnh nhất, dự báo khả năng sẽ đổ bộ Biển Đông ngày 8/11