Nhiều lần kiến nghị cơ quan thẩm quyền đưa giải pháp hạn chế xe né trạm nhưng không thành, Công ty 545 – chủ BOT Điện Thắng Trung (Điện Bàn, Quảng Nam) đề nghị Nhà nước mua lại quyền khai thác tuyến đường mà doanh nghiệp đã đầu tư.
Trạm BOT của Công ty 545 đang ngày càng ít xe qua lại do các đường dân sinh mở ra hai bên hông trạm – Ảnh: B.D.
Theo một nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, mức khái toán và đề xuất giá bán lại mà doanh nghiệp đưa ra là 1.200 tỉ đồng.
Bất lực nhìn xe né trạm
Trong văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các đơn vị liên quan, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng công trình 545 cho rằng trạm thu phí BOT Điện Thắng Trung vận hành thương mại từ năm 2016.
Tuy nhiên từ năm 2018, có nhiều tuyến đường mở ra khiến lượng xe qua trạm giảm hẳn. Tới nay phương án tài chính đã giảm tới 90%.
Dù đã nhiều lần gửi kiến nghị tới địa phương nhưng tới nay tình hình vẫn chưa được cải thiện. Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.
“Nhằm đảm bảo việc thanh toán nợ vay cho dự án đúng thời gian quy định và tránh quá hạn, nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị; cũng như tránh nguy cơ bể phương án tài chính với dự án BOT Điện Thắng Trung, Công ty 545 một lần nữa đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam xem xét mua lại toàn bộ dự án BOT qua Quảng Nam.
Hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để đơn vị có nguồn trả nợ ngân hàng, hoặc có phương án di dời trạm đến vị trí thuận lợi hơn.
Có như vậy mới giúp nhà đầu tư không bị vỡ nợ, phá sản, đúng theo tinh thần ý kiến Thủ tướng đã nêu “đảm bảo lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” – văn bản do ông Thân Hóa, giám đốc Công ty 545 ký, đề cập.
Thương doanh nghiệp, nhưng còn dân thì sao?
Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Xuân Hà cho rằng Công ty 545 có mối quan hệ rất thân thương, gắn bó và đồng hành với địa phương rất nhiều trong các chương trình an sinh xã hội.
Nhưng không vì thế mà chính quyền có thể làm theo ý của doanh nghiệp, đem dựng bảng cấm hết các đường dân sinh để hướng xe vào trạm.
Bởi ngoài doanh nghiệp còn có người dân. Một khi dân không đồng ý thì không ai dám cấm đường. Thực tế qua lấy ý kiến người dân hai bên trạm thu phí cũng cho thấy 100% bà con không đồng tình cấm đường.
Việc cấm địa phương không phải muốn là được, mà phải có quy định, có thẩm quyền.
Theo đó, từ nay các xe tải, xe khách có tuyến cố định trên quốc lộ 1A nếu không có điểm bốc dỡ hàng hóa, đón trả khách (qua khu dân cư hai bên trạm BOT) thì đi thẳng.
Các đường dân sinh hai bên trạm thu phí, xe qua lại dày đặc để né phí – Ảnh: B.D.
Theo ông Hà, thực tế việc cắm bảng cấm như vậy cũng chẳng giải quyết được gì lớn. Vì thực tế Điện Bàn đã hạn chế xe từ 2,5 tấn đến 10 tấn trong các đường rẽ vào khu dân cư. Còn xe con thì vẫn cứ đi vòng bình thường, lượng xe con chiếm tỉ lệ rất nhiều trên quốc lộ.
“Đây chẳng qua là giải pháp tạm thời chứ không phải vì trạm thu phí mà để Điện Bàn không phát triển đô thị được. Bởi chỉ tiêu Chính phủ giao đến năm 2030 Điện Bàn sẽ lên thành phố. Muốn vậy thì phải làm hạ tầng” – ông Hà nói.
Ông Hà cho biết đã đề nghị Công ty 545 xúc tiến các thủ tục bán lại quyền khai thác trạm BOT cho Nhà nước. Mức giá như ông Hà được nắm là 1.200 tỉ đồng.