Vợ chồng tôi giờ đứng đầu sóng ngọn gió, chẳng biết phải làm gì để hòa giải hai nhà cho êm xuôi
Trước khi tổ chức đám cưới tôi đã được bạn bè cảnh báo rằng nên chú ý sắp xếp mọi việc chu đáo, bởi nhiều khi ngày trọng đại cũng là ngày xảy ra bi kịch ngoài ý muốn. Tôi cứ chẹp miệng cười trừ, nghĩ rằng bạn ghen tị với chuyện mình sắp lên xe hoa nên mới gở mồm như vậy.
Cơ mà đời ai biết trước chữ ngờ. Đám cưới của chúng tôi diễn ra vô cùng suôn sẻ, mọi thứ đều được chuẩn bị kỹ lưỡng vô cùng. Vậy mà đến lúc cỗ bàn sắp xong thì biến lớn xảy ra.
Chuyện là hôm ấy chúng tôi tổ chức gộp cả ăn hỏi lẫn đám cưới vào một ngày vì nhà trai ở xa. Bố mẹ đôi bên tư tưởng đều hiện đại nên không quá quan trọng việc phải đưa rước xa xôi, miễn là các thủ tục chính đều hoàn thành và thời tiết thuận lợi là được.
Vợ chồng tôi xác định họ hàng người quen đều ở xa nên số lượng khách tham dự ít hơn dự kiến. Chưa kể quê tôi lẫn quê chồng toàn cụ già, họ không tiện đi mấy trăm cây số một lúc, thế nên lúc gọi điện mời cưới chỉ báo với các vị trưởng bối đại diện sức khỏe tốt mà thôi.
Ai dè các ông các bà nhiệt tình quá kéo nhau đi hết. Trong số đó có cả bà nội chồng ở quê ra. Bà phải ngồi xe lăn nhưng nghe tin cháu trai yêu quý sắp lấy vợ là bà chuẩn bị sẵn quần áo đẹp với quà cưới để vượt hơn 200 cây số tới ăn cỗ.
Hôn lễ diễn ra rất đông vui và tưng bừng. Vợ chồng tôi nhận được khá nhiều quà cưới và tiền mừng. Bất ngờ nhất là giá vàng tăng cao nhưng gia đình họ hàng trao cho tôi cả đống đeo khắp người, khiến vợ chồng tôi xúc động vì tình cảm mọi người dành cho 2 đứa.
Tuy nhiên rạn nứt bắt đầu từ khúc bà nội chồng ngồi đối diện với bà ngoại tôi khi ăn tiệc. Cạnh bà tôi là cô dì cháu chắt bên ngoại, họ tự ngồi với nhau cho đủ mâm.
Hôm ấy đông người nên chẳng ai chú ý được hết, các em họ của tôi chỉ hỗ trợ công tác hướng dẫn khách mời vào từng khu vực riêng thôi, còn lại mọi người tự rủ rê chọn chỗ với nhau. Thấy bàn của bà nội chồng còn trống nhiều chỗ nên bà ngoại tôi mới rủ con cháu vào ngồi chung cho vui, ai dè tiếng cười vui nhanh chóng bị thay thế bằng một cuộc tranh cãi nảy lửa.
Sau màn chào hỏi làm quen thì các bà bắt đầu dùng tiệc. Cả 2 bà đều đã ngoài 70 nên răng lợi yếu hết rồi, chủ yếu ăn rau củ hấp với thịt cá mềm thôi. Nghe cô tôi kể lại là ban đầu 2 bà trò chuyện với nhau vui vẻ lắm, còn gắp mời nhau ăn món nọ món kia cơ. Xã giao vài câu xong 2 bà quay sang khen cô dâu chú rể. Và thế là xích mích bắt đầu từ đây.
Dĩ nhiên là cháu nhà ai thì nhà đó “nịnh”, bà ngoại tôi xuýt xoa khen cô dâu xinh đẹp nổi bật nhất trong đám cưới, còn bà nội chồng khẳng định chú rể chính là người đàn ông “lịch sự sáng láng” nhất buổi tiệc, không ai đẹp trai bằng cháu bà. Mọi thứ đáng lẽ dừng lại ở đó là ổn, nhưng không, bà nào cũng muốn cháu mình là nhất nên cứ bồi thêm dăm ba câu, kết cục đang chuyện vui thành cãi cọ!
Rồi mâu thuẫn lên đến cao trào khi bà nội chồng nói: “Cháu dâu may phước lắm mới lấy được tấm chồng như cháu giai tôi, vừa giỏi vừa phong độ” . Khúc này thì họ hàng tôi ngồi xung quanh nghe cũng hơi khó chịu, nhưng ngày vui của cháu ai lại gây sự với thông gia. Thế là mọi người cắm cúi vào ăn, bỏ ngoài tai mấy câu so sánh gây mất lòng của bà nội chồng.
Tuy nhiên bà ngoại tôi không thích bỏ qua! Bà phản bác lại bên nhà trai, kêu cháu gái tôi ngoan hiền, lại có bằng cấp công việc xịn nọ kia, lương cao hơn ối thằng đàn ông chỉ được cái mã ngoài. 2 bà không ai chịu nhường ai, cứ lôi vợ chồng tôi ra để “ăn thua đủ”.
Nói qua lại một hồi thì 2 bà cãi nhau lên đến đỉnh điểm. Bà nội chồng hết cái để so đo nên chuyển sang chê bà ngoại tôi. Ai cũng sốc khi bà nội chồng phán: “Cả đời cháu nó mới có một đám cưới, thế mà bà mặc cái bộ vừa cũ vừa xấu trông như đống bùi nhùi đốt dở, ngày xưa tôi hay dúi rơm vào để đốt bếp ấy”.
Quả thực hôm ấy bà ngoại tôi ăn vận hơi giản dị, trang sức cũng chỉ có mỗi chiếc nhẫn bạc và chiếc vòng mã não thôi. Tuy nhiên bộ đồ hôm ấy bà tôi mặc cũng là gấm thêu cao cấp trị giá vài triệu, do chính tay bác dâu tôi đặt may làm quà mừng thọ bà hồi giữa năm. Bà nội chồng thì mặc áo dài nhung, đeo thêm chuỗi ngọc trai và đeo nhẫn tỳ hưu vàng nên trông nổi bật hơn chút.
Cho rằng bị thông gia xúc phạm nên bà ngoại tôi giận lắm. Bà đứng dậy mắng mỏ khá to tiếng, làm cả hội trường tiệc cưới xôn xao. Lúc ấy vợ chồng tôi đang đi chúc rượu cùng bố mẹ ở bàn khác, nghe tiếng ồn ào mới quay ra phát hiện sự việc. Tôi xách váy hớt hải chạy đến nơi thì bà ngoại nằng nặc đòi con cháu đưa về, kêu rằng không nuốt nổi với “người đàn bà vô duyên” phía đối diện.
Trước lúc rời đi, ngoại tôi còn tuyên bố rằng không bao giờ muốn nhìn mặt bất kỳ ai bên phía nhà trai. Lý do bởi bà cảm thấy họ không tôn trọng nhà gái, khinh thường bà và mọi người xung quanh. Các bác các dì bên ngoại chứng kiến toàn bộ sự việc cũng đứng ra xác nhận lời bà tôi nói là đúng. Họ cũng bức xúc với thái độ dửng dưng của họ hàng nhà trai, thấy bà nội chồng tôi phát ngôn thiếu chuẩn mực mà cũng chẳng khuyên can gì hết, để xích mích đi quá xa không kiểm soát nổi.
Bên nhà chồng cũng bênh bà nội nên quay sang đáp trả họ hàng nhà tôi. Chỉ vì một câu nói của bà nội chồng thôi mà kết cục đám cưới trở nên lộn xộn, mọi người xông vào chửi mắng trách móc nhau loạn hết cả lên!
Những vị khách khác thấy xô xát ầm ĩ thì một nửa bỏ ngang cỗ đi về, nửa còn lại xúm vào hóng hớt. Vợ chồng tôi và bố mẹ 2 bên tích cực can ngăn, nhưng giọng chúng tôi quá yếu chả ăn thua gì với mấy chục con người đang hăng máu cãi lộn. Phải đến khi quản lý nhà hàng xuất hiện cùng bảo vệ thì đám đông mới tạm giải tán.
Chẳng còn tâm trí đâu mà tiếp tục cỗ bàn nữa, bố mẹ bảo chúng tôi cứ bắt taxi về nghỉ ngơi thay đồ trước đi, còn đâu để họ giải quyết giúp. Tưởng sau đó mấy hôm thì sự việc sẽ êm xuôi, nhưng vợ chồng tôi càng lo lắng hơn khi nghe tin bà nội chồng không chịu xin lỗi, còn “gửi” thêm vài lời mỉa mai đến bà ngoại tôi khiến tình hình trở nên khó cứu vãn hơn.
Mẹ tôi thở dài nói 2 bà đều già lớn tuổi nên sĩ diện cao, biết rằng phía người nhà trai sai trước nhưng không thể đổ hết lỗi lên đầu họ được. Tại hôm ấy họ hàng đôi bên đều tham gia chửi bới nhau khá căng nên mâu thuẫn không phải chỉ của riêng 2 bà cụ nữa. Đám cưới suýt nữa thì trọn vẹn tươi vui, giờ vợ chồng tôi phải hủy cả chuyến trăng mật để ở nhà nghĩ cách hòa giải. Khổ thế không biết nữa, đúng là tai bay vạ gió, họa từ miệng mà ra!