Khoai nưa: Loài khoai có tác dụng chữa bệnh

Khoai nưa, một loại cây thuốc sống lâu năm, mọc hoang khắp các nơi ẩm ướt.

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tùy theo vùng mà gọi là Khoai nưa hoặc Khoai na, Củ nưa, Củ nhược hay Quỉ cậu. Khoai nưa có tên khoa học là Amorphophallus konjac K. Koch thuộc họ Ráy (Araceae).

Đặc điểm tự nhiên

Khoai nưa là loại sống nhiều năm với củ to, dẹt, hình cầu, có khi to hơn đầu của người lớn, thịt màu vàng, ăn hơi ngứa. Các lá riêng lẻ có cuống lá dài đến 40cm hoặc hơn; lá có màu xanh lục nâu, đốm trắng, xẻ làm ba thành các đoạn dài khoảng 50cm, phiến lá nhiều khía sâu. Bông mo có màu tím, hình trụ, tận cùng là một phần bất thụ. Mo có màu nâu sẫm.

Thời gian ra hoa: Mùa hè và mùa thu.

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây khoai nưa mọc hoang khắp các nơi ẩm ướt, đôi khi được trồng lấy củ ăn hay nuôi lợn.

Củ Khoai nưa được thu hoạch vào khoảng tháng 9 đến tháng 11.

Tùy theo nhu cầu sử dụng mà bào chế khác nhau:

  • Sử dụng trực tiếp: Củ cạo vỏ, ngâm với nước vo gạo 12 tiếng rồi nấu khoảng 1 tiếng với một ít muối.
  • Làm dược liệu: Thái mỏng củ, ngâm với nước vo gạo qua đêm, rồi ngâm thêm một đêm với phèn chua. Lấy dược liệu sau ngâm phơi khô, sau đó nấu cùng với gừng khoảng 3 giờ (tỉ lệ 1kg Khoai nưa: 100g gừng). Cách làm này có thể giúp hết ngứa khi sử dụng Khoai nưa.
  • Nếu thu hoạch muộn, củ đã già hoặc quá to thì cần kiềm hóa bằng cách xử lý cùng vôi và tro: Thái củ thành các miếng nhỏ rồi ngâm một đêm cùng nước phèn sau đó nấu khoảng 1 giờ với vôi rồi mới dùng được.
  • Khoai nưaHoa của cây Khoai nưa