Người “chồng nhặt” của mẹ và cái kết

Sau khi bố mất, một người đàn ông khác được cô gái gọi là “chồng nhặt” của mẹ xuất hiện không chỉ thành chỗ dựa tinh thần của mẹ mà còn hết lòng lo lắng cho ba chị em. Với cô gái ấy, người đàn ông này thực sự trở thành người cha thứ hai và sẽ là người nắm tay cô trao cho nhà trai trong ngày lấy chồng

Với mỗi đứa trẻ có một gia đình đủ đầy được bố mẹ chở che yêu thương là niềm hạnh phúc lớn lao. Tuy nhiên, với tài khoản H.N do cha mất sớm, 3 chị em chỉ có được tình thương của mẹ, một mình mẹ phải gánh vác gia đình, vừa là mẹ vừa làm ba để lo cho 3 chị em.

Tuy nhiên, “khi một cánh cửa này đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra”, một người đàn ông đã xuất hiện được cô gái ví như “chồng nhặt” của mẹ và đã dành tất cả tình yêu thương chân thành, lo lắng cuộc sống cho cả 3 chị em. Không giống như những trường hợp cảm thấy buồn bực thậm chí nổi loạn khi cha hoặc mẹ tái hôn, T.N đã dành tình cảm cho ông bằng cả tấm lòng, dù không có công sinh thành nhưng ông đã có công nuôi dưỡng. Và sau tất cả những gì ông làm cho gia đình, với H.N ông thực sự trở thành người cha thứ hai và sẽ là người sánh vai, cùng mẹ nắm tay chị em cô trao dâu cho nhà trai. Thật vậy, dù thế nào “ba vẫn là ba của tụi con!”.

Câu chuyện xúc động về người chồng nhặt của mẹ: Ba không có công sinh thành nhưng có công nuôi dưỡng, ba là ba của tụi con - Ảnh 1.

Câu chuyện xúc động về người “chồng nhặt” của mẹ được chia sẻ lên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Câu chuyện xúc động về người cha dượng được tài khoản H.N chia sẻ như sau:

“Ai cũng có một người hùng!

 

Ba chẳng dùng facebook hay Zalo, chẳng biết máy tính hay lên mạng là như thế nào. Ba viết chữ cũng xấu. Ông bảo: “Tao chỉ học hết lớp 5, biết cộng trừ nhân chia xong thì không học nữa”.

 

Ba chỉ thích dùng điện thoại cục gạch, chữ số thật to bởi: “Dùng điện thoại đắt tiền làm gì, tao có biết đâu, nhắn tin còn không quen tay”. Đưa đi ăn nhà hàng, ba bảo: “Mua về nhà mà nấu cho nhanh, ra quán làm gì cho tốn tiền”.

Tuy nhiên, ba lo cho mấy đứa chẳng thiếu thứ gì suốt mười mấy năm qua.

Ba đẹp trai lắm. Ông có nước da màu bánh mật, khuôn mặt chữ điền và nụ cười đáng mến. Tôi hay hỏi mẹ rằng: “Sao mẹ thiếu “nét” vậy mà toàn “tán” được người cao to đẹp trai, mẹ cho con bí quyết với”.

Nhiều người hỏi tôi tại sao cứ gọi ba với mẹ chứ không phải bố mẹ. Vì tôi có hai người cha, một người là bố sinh thành và người ba nuôi dưỡng.

Ba không hay kể về cuộc đời mình bởi với ông đó là những tháng ngày không muốn nhắc đến. Chẳng ai miêu tả được cuộc đời ông bằng những con chữ.

Ai miêu tả được cảm giác “không biết ngày tháng năm sinh”… Ba từng bỏ nhà lang thang ngủ gầm cầu, ngủ ở ghế đá công viên đêm 30 Tết.

Người đàn ông đó đã có giấc mơ khi gặp mẹ. Nếu ai đó từng đọc truyện “Vợ nhặt” của Kim Lân thì tôi khẳng định rằng điều đó có thật ngay tại đây. Tôi là người chứng kiến tất cả.

“Tò vò mà nuôi con nhện

 

Đến khi nhện lớn nhện bỏ nhện đi

Tò vò ngồi khóc tỉ tê

Nhện ơi nhện hỡi nhện đi đằng nào”.

Bố tôi mất nên ngày chị gái lấy chồng, ba cùng mẹ cố gắng lo cho chị cái đám cưới cho xứng với nhà trai. Thế nhưng, trên thiếp mời đại diện nhà gái chỉ ghi dòng chữ “Bà quả phụ” và chẳng có tên ba.

Ông ngồi ăn cưới cùng bàn bên nhà trai, lầm lũi về như một vị khách khi tiệc chưa tàn. Tôi thấy và nói với ba mẹ “Nếu con và út có chồng ba phải là người dắt tay tụi con gửi gắm cho nhà người ta, ba là ba của tụi con”.

Câu chuyện xúc động về người chồng nhặt của mẹ: Ba không có công sinh thành nhưng có công nuôi dưỡng, ba là ba của tụi con - Ảnh 2.

Ông bố từng lang thang đầu đường xó chợ, từng ngủ gầm cầu nhưng sau đó đã tìm được giấc mơ của riêng mình khi gặp mẹ (Ảnh facebook).

Nhiều người hay nói ba là “tò vò”, nuôi con vợ, không có con. Ba chỉ bảo “Ừ thì sao nào?”

Tôi biết ba buồn mỗi khi nghe người ta nói vậy nhưng họ không hiểu ba đã hi sinh những gì. Ba hay bảo “Tao không phải bố nên không có quyền mắng mấy đứa”. Những lần như thế tôi nạt ngay “Ai bảo ba không có con, ba có đến 3 đứa con gái, ba đừng mắng, sai ba cứ đánh thẳng tay”.

Chẳng cần tìm kiếm đâu xa câu chuyện khởi nghiệp từ bàn tay trắng. Tôi vẫn nhớ ngày ba và mẹ mua được chiếc tivi màu mang về căn phòng trọ. Ông vui lắm, rồi đến lúc có chiếc xe máy đầu tiên. Ông nhờ hàng xóm chụp cho bức hình “người đẹp bên chiếc Honda”.

Từ một anh chàng làm lơ xe tải, ba và mẹ dành dụm mua được chiếc ô tô tải chạy hàng Bắc, Nam. Ngày đầu chưa có mối khách, mẹ bảo ba cứ chạy ngoài đường, xin đỗ ở bến hàng, người ta thấy sẽ hỏi.

Rồi ba mua được miếng đất, cất được cái nhà riêng. Lúc đó ông vui lắm, thấy tôi đến cửa ba bảo “Bông, Bông vào xem nhà này” rồi chỉ cho thấy chỗ này, chỗ kia.

Ngày ba cầm kết quả xét nghiệm bị tiểu đường, bác sĩ dặn nên nghỉ ngơi, tránh lao động nặng nhưng ông bướng quá. Ông cứ cầm vô lăng làm việc như trai tráng.

“Ngồi nhà buồn chân buồn tay, không đi mất mối làm ăn, người ta mắng cho”, ông bảo thế.

Quả thật tôi nể, nể cách sống của ba, ba đi đến đâu cũng được người ta yêu mến vì sự chân thành, nhiệt tình, giúp đỡ đến cả con, cháu, của họ hàng, bạn bè xa tít tắp mà không so đo.

 

Mỗi khi mệt mỏi chẳng còn động lực gì nữa tôi lại nghĩ về ba và mẹ rồi nghĩ “Ơ con muỗi đốt phải inox, công chúa dẫm gai mùng tơi rồi, có thế đã nản” và bình tâm trở lại.

“Cảm ơn” có lẽ là từ không bao giờ đủ cho những gì ba đã làm cho gia đình và cuộc sống của tôi”.

Câu chuyện xúc động về người chồng nhặt của mẹ: Ba không có công sinh thành nhưng có công nuôi dưỡng, ba là ba của tụi con - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Ngay khi những dòng chia sẻ trên được đăng tải lên mạng xã hội đã khiến nhiều người xúc động, và bày tỏ sự đồng cảm với cô con gái trong câu chuyện trên khi may mắn có được một người cha dượng tuyệt vời.