Thu phí 12 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư từ 1/8/2024? Người dân có hai lựa chọn. Đó là gì?

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy nói rằng, đề xuất này nhằm tạo nguồn thu bổ sung vào ngân sách để phục vụ đầu tư kết cấu hạ tầng và các nhiệm vụ chi khác của Trung ương. Người dân có quyền lựa chọn đi cao tốc hoặc đi quốc lộ.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 5/8, báo chí đặt câu hỏi về việc, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa vào đề xuất thu phí hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy nhận định, trên thế giới nói chung và ở các quốc gia đang phát triển nói riêng đều thiếu nguồn lực quốc gia để đầu tư hạ tầng.

Tại Việt Nam, chúng ta đã huy động rất nhiều giải pháp, phương pháp, từ đầu tư bằng đối tác công tư (PPP) đến nguồn lực xã hội hoá của các doanh nghiệp, rồi đến Nhà nước đầu tư rồi thu phí để hoàn vốn.

“Sơ bộ đến năm 2025, nếu chúng ta đầu tư được hệ thống kết cấu hạ tầng hơn 900.000 tỷ đồng thì cũng chỉ cân đối được 234.000 tỷ đồng”, ông Huy nói.

Bởi vậy, khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường cao tốc như cao tốc Bắc-Nam phía Đông và một số dự án đường cao tốc quan trọng quốc gia khác, nghị quyết của Quốc hội đã giao cho Chính phủ nghiên cứu các giải pháp đầu tư xong rồi thu phí để hoàn vốn.

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng các đề án thu phí cao tốc được đầu tư bằng ngân sách và trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ lần này cũng đưa vào.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy phát biểu tại Họp báo
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy phát biểu tại Họp báo

“Theo đó, Nhà nước đầu tư các tuyến đường cao tốc mới, song song với việc đầu tư xây dựng các quốc lộ. Ở đây, người dân có quyền lựa chọn đi quốc lộ hoặc đi cao tốc”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Khi được hỏi việc thu phí các cao tốc này như thế nào, nguồn thu sẽ sử dụng ra sao, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã tính toán các lợi ích mang lại khi các phương tiện đi trên cao tốc, một là nhanh hơn, hai là tiết kiệm nhiên liệu hơn. Từ các chi phí tiết kiệm nhiên liệu, chi phí vận hành khai thác, Nhà nước sẽ thu phí với các lợi ích mang lại đó, đồng thời cũng sẽ bảo đảm sự chi trả của người dân”.

Mục đích của nguồn thu này là nộp vào ngân sách để phục vụ đầu tư kết cấu hạ tầng và các nhiệm vụ chi khác của Trung ương.

Ông Huy nói thêm, thì sau khi trừ đi chi phí thu phí, chi phí vận hành, nộp lại ngân sách, từ đó sẽ cân đối lại các mục tiêu của nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải có văn bản về phương án thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, gửi lấy ý kiến một số bộ ngành liên quan trước khi trình Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện.

Nếu được thông qua, 9 tuyến đường bộ cao tốc đầu tư công sẽ thí điểm thu phí với mức phí thấp nhất từ 1.300 – 3.500 đồng/km/ô tô dưới 12 chỗ ngồi.

Bao gồm các cao tốc TPHCM – Trung Lương; một số đoạn cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 gồm: Cao Bồ – Mai Sơn, Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây, và cầu Mỹ Thuận 2.

Thời gian thí điểm là 5 năm, thực hiện trước khi các quy định pháp luật liên quan tới thu phí đường do Nhà nước đầu tư được sửa đổi, bổ sung.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải xây dựng đề án quản lý, khai thác đường cao tốc TP.HCM và các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp Bộ Tài chính và các bộ liên quan xây dựng và hoàn thiện Đề án.

Năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện xây dựng hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung trên, trong đó, báo cáo thực hiện thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư theo 2 cơ chế là cơ chế giá và cơ chế phí. Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải nhất quán quan điểm thực hiện thu theo cơ chế phí.

Tuy nhiên sau đó, giữa hai Bộ chưa thống nhất về mục đích thu tiền, phạm vi thu tiền; và cơ chế thu tiền.

Tại Công văn số 5960/VPCP-KTTH ngày 9/9/2022, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu hai Bộ trưởng khẩn trương chủ trì, làm việc với thủ trưởng cơ quan liên quan để trao đổi, thống nhất các nội dung về thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trước khi trình Chính phủ.

Ngày 8/2/2023, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải đã họp bàn về cơ chế thu trên đường cao tốc do Nhà nước quản lý, sở hữu. Tuy nhiên, tại cuộc họp này, hai Bộ vẫn tiếp tục không thống nhất về cơ chế thu. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xây dựng phương án báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội ban hành cơ chế thí điểm thu tiền sử dụng đường bộ cao tốc trên một số đoạn/tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư.